logo

Cách nuôi và chăm sóc cá Mã Giáp

Xin chào các bạn, hôm nay Chơi Cá Cảnh sẽ giới thiệu đến các bạn về một loài cá không còn xa lạ gì với rất nhiều người nuôi cá cảnh tại Việt Nam đó là cá Mã giáp. Cá Mã Giáp là loài cá dễ nuôi, khỏe mạnh, rất thích hợp cho người mới nuôi cá cảnh. Mặc dù giống cá này được nuôi rất nhiều trong gia đình, thế nhưng chuyện cá Mã Giáp sinh sản đối với người nuôi lại hết sức khó khăn. Cá Mã Giáp sinh sản thế nào? Người nuôi cần chú ý những gì?  Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu thêm về loài cá này và cách chăm sóc chúng nhé. 

1, NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÁ MÃ GIÁP

Cá Mã Giáp hay còn gọi là Cá Sặc Trân Châu, tên khoa học là Trichogaster leerii. Chúng phân bố ở một số quốc gia khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Malaysisa, Indonesia,… Ngoài ra thì còn một số khu vực các con sông quanh sông MeKong, ..

Cá Mã Giáp có chiều dài trung bình khoảng 5-10 cm. Chúng sinh sống ở tầng giữa và tầng trên mặt nước, tập trung chủ yếu ở vùng nước đầm lầy ẩm thấp, cư trú nơi vùng trũng, trong các bụi cỏ và kênh đào, trong các vùng nước cạn chảy chậm hay tĩnh nơi có thật nhiều thực vật thủy sinh. Đối với khu vực sông MeKong, chúng thường di chuyển theo mùa từ sông, hồ vào vùng ngập lũ ở trung và hạ lưu sông Mekong và rút về nơi cư trú khi mùa khô đến.

Cá Mã Giáp có cơ thể thon dài và dẹp bên, nhìn chúng chúng ta sẽ thấy na ná với loài sặc gấm. Các vây bụng thành hai tia rất dài dạng sợi, đặc điểm này rất giống với một loài cá đồng ở Việt Nam thường gọi là cá chọi trâu. Khác với loại cá sặc Colisa, vây lưng nằm trên một nền cong ở giữa lưng, vây hậu môn, ngược lại, nằm trên một nền rất dài và bắt đầu trên phần trước của bụng. Vây đuôi bị khía sâu mạnh. Các vây lưng và hậu môn tương đối phát triển ở con đực hơn là ở con cái và gần như trong suốt.

Cá mã giáp sở hữu bộ vảy rất đặc biệt gồm các đốm sắp xếp khít nhau tạo thành một mạng lưới vảy như những chiếc áo giáp của quân lính thời xưa, chính vì vậy nên chúng có tên là cá Mã Giáp.

Các phần dưới màu da cam hay đỏ đậm. Một dải dọc màu nâu sẫm hơi khúc khuỷu đi từ mõm, qua mắt và nới rộng ra để chỉ còn tạo thành một đốm, kết thúc giữa cuống vây đuôi. Vây lưng và bụng có màu óng ánh xà cừ. Cá cái hầu như có màu nâu nâu, khắp thân cá được tô điểm bởi hàng trăm đốm trắng khiến toàn thân cá giống như một viên ngọc trai, có một vẻ đẹp đặc biệt.

Ngoài ra chúng còn có 1 dòng được gọi là cá Mã Giáp Short Gù như chúng ta thấy trên ảnh. Dòng này được đặc trưng bởi form dáng ngắn ( Short ) và có phần lưng hơi nhô cao ( gù ) nom khá là bắt mắt. Chúng được khá nhiều người nuôi ưa chuộng bởi dáng vẻ đặc biệt này.

2, CÁCH NUÔI CÁ MÃ GIÁP

Cá Mã Giáp là loài cá rất dễ nuôi và có tuổi thọ lên tới 5 năm. Loài cá này có thể sống trong một bể nuôi có trồng nhiều cây thuỷ sinh rậm rạp, nhất là những cây có lá mịn và mềm và một vài cây mọc nổi giúp cá lên màu đẹp và là nơi trú ẩn cho chúng. Độ PH dao động 6 - 8, nhiệt độ thích hợp 25-28 độ C. Tuy nhiên mọi người vẫn cần cho cá ăn vừa phải, không nên cho ăn quá nhiều dẫn tới thừa thức ăn gây bẩn nước. Ngoài ra nên trang bị thêm hệ thống lọc như những loài cá khác để có thể lọc chất bẩn hàng ngày. Anh em không nên thả chung Cá Mã Giáp với cá loài cá kích cỡ lớn hoặc cá săn mồi, điều này sẽ khiến Cá Mã Giáp sợ hãi và lẩn trốn. Lâu dần chúng sẽ nhút nhát và dễ mắc bệnh hơn.

Cá Mã Giáp là loài có thời gian trưởng thành có thể sinh sản khá dài. Loài cá này có thể sinh sản sau 5 tháng tuổi và thường đẻ vào mùa mưa. Vào lúc giao nhau ở mùa sinh đẻ, ngực và bụng của cá đực chuyển về màu đỏ chói. Cá Mã Giáp có tập tính đẻ trứng vào tổ bọt khí do cá đực làm tổ. Cá cái đẻ rất nhiều trứng, mỗi lần đẻ khoảng 800 – 1500 trứng. Trứng nở trong khoảng 24 giờ. Cá đực sẽ có trách nhiệm chăm sóc trứng. Giống như một số loài cá cảnh khác như guppy, chúng có tập tính ăn cá con nên mọi người cần đặc biệt chú ý nhé, hãy tách cá mẹ sau khi đẻ xong, trừ lại cá đực để bảo vệ và chăm sóc tổ.

3, THỨC ĂN CỦA CÁ MÃ GIÁP

Cá Mã Giáp là loài cá ăn tạp. Đối với giống cá này, các loại thức ăn của cá cảnh thông thường chúng đều thích ăn. Các loại thức ăn dạng viên và dạng hạt cho đến thức ăn tươi sống như giun, bobo, trùng chỉ, động vật thân giáp tôm nhỏ, côn trùng hay các loại thức ăn tổng hợp.

Thực đơn khoái khẩu của chúng là ấu trùng, côn trùng nhỏ, trùng chỉ, trứng của các loài khác hoặc tảo. Mọi người nên tránh nuôi chúng chung với tép cảnh, chúng có thể ăn hết tép con của bạn đấy.

4, NHỮNG LƯU Ý KHI NUÔI CÁ MÃ GIÁP

Cá Mã Giáp rất dễ mắc các bệnh thối vây, vây đổi màu, thối đuôi, do vậy anh em cần thay nước thường xuyên và thêm thuốc kháng khuẩn vào nước để kiểm soát mức độ nhiễm trùng của cá. Tránh tình trạng chất lượng nước kém sẽ khiến cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn. Một mẹo thông thường là do hầu như chất lượng nước được đảm bảo bởi lọc và vi sinh, tuy nhiên khoảng 2-4 tuần anh em nên cho 1 ít muối hột vào bể để sát trùng bể nhé, tuy đơn giản nhưng nó rất hữu ích đấy.

5, TỔNG KẾT

Trên đây là những chia sẻ về cá Mã Giáp, cách nuôi và chăm sóc cho loài cá. Theo kinh nghiệm của riêng mình thì nuôi cá Sặc Gấm chung với cá Mã Giáp thì đúng là song kiếm hợp bích. Cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi bài viết và hẹn gặp lại nhé.